Trường Đại Học Bách Khoa TPHCM

hcmut.edu.vn

GIỚI THIỆU TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA – ĐHQG-HCM

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM  là một trường thành viên của hệ thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Trường được thành lập vào năm 1957 với tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật. Hiện nay, Trường ĐH Bách Khoa là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn nhất các tỉnh phía Nam và là trường đại học kỹ thuật quan trọng của cả nước.

 

Thư viện trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM

Các mốc thời gian quan trọng

Năm 1957: Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật được thành lập theo Sắc lệnh 213-GD ngày 29/06/1957, gồm 4 trường kỹ thuật, công nghệ và chuyên nghiệp: Trường Cao Đẳng Công Chánh, Trường Vô tuyến Điện, Trường Hàng Hải Thương Thuyền và Trường Thương Mại.

1972: Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật được đổi tên thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật theo Sắc lệnh 135SL/GD ngày 15/9/1972, gồm 6 trường thành viên.

1973: Học viện Quốc gia Kỹ thuật bị giải tán, trường được đổi tên Trường Đại học Kỹ thuật và là thành viên của Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức.

1976: Trường được mang tên Trường Đại học Bách khoa theo Quyết định số 426/TTg ngày 27/10/1976.

1996: Trường được mang tên Trường Đại học Kỹ thuật trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1235/GD-ĐT ngày 30/3/1996.

2001: Trường được mang tên Trường Đại học Bách khoa theo Quyết định số 15/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

TẦM NHÌN – SỨ MẠNG

Tầm nhìn:

Được công nhận toàn cầu là Trường Đại học hàng đầu trong khu vực về giảng dạy, học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo.

Sứ mạng:

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế;

Sáng tạo tri thức mới thông qua nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo;

Thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng.

Hệ thống các giá trị cơ bản

Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG-HCM hướng tới các giá trị cơ bản để đáp ứng sứ mạng của nhà trường:

  1. Năng lực và tâm huyết của đội ngũ quản lý, giảng viên và sinh viên;
  2. Phẩm chất, tư duy và kỹ năng của sinh viên;
  3. Tinh thần tiên phong, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học;
  4. Truyền thống, văn hóa, chất lượng và kiểm định quốc tế;
  5. Kết nối giữa nhà trường, cộng đồng và doanh nghiệp.